Nếu như ở phần trước chúng tôi đã giới thiệu sơ qua hình ảnh rồng thời nhà Lý của Việt Nam thì trong phần này, chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn về hình tượng lá bồ đề và con rồng. Theo sử tích của Phật giáo, Đức Phật đã thành đạo dưới cây bồ đề nên loài cây này đã trở thành biểu trưng cho sự giác ngộ của Phật. Dưới thời nhà Lý, chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo hình tượng lá bồ đề được sử dụng rất nhiều trong trang trí điêu khắc như vòm cửa chùa tháp, cung điện. Hình tượng lá bồ đề thường lồng ghép với hình tượng rồng Việt Nam trong một tổng thể hài hòa, giàu thẩm mỹ.
Nền điêu khắc thời Lý được hình thành trong một hoàn cảnh lịch sử đặc trưng, khi đất nước thoát khỏi cảnh nghìn năm đô hộ, hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong thời kỳ thái bình ấy, Phật giáo đã phát triển rất mạnh mẽ và trở thành một quốc giáo dưới thời Lý, có thể nói nghệ thuật điêu khắc thời Lý là một nét son rực rỡ trong lịch sử của nền nghệ thuật Việt Nam.
Điêu khắc thời Lý thường hướng vào các đề tài thiên nhiên như mây, nước, hoa sen, hoa cúc…và đặc biệt là hình tượng lá bồ đề và con rồng Việt Nam xuất hiện xuyên suốt trong các công trình kiến trúc, nó mang vẻ đẹp của sự tự do trong cảm hứng sáng tạo và cái nhìn phóng khoáng thấm đẫm âm hưởng của Phật giáo. Rồng Việt Nam thời Lý với nhiều nếp cong mềm mại không chỉ tượng trưng cho quyền lực hoàng gia mà còn tượng trưng cho nguồn nước, niềm mơ ước cho cư dân trồng lúa.
Theo các nhà nghiên cứu thời Lý để thực hiện một lá bồ đề gắn phượng 40 nghệ nhân thời Lý phải thay phiên nhau chạm khắc trong 2 ngày và đến phiên của mình thì mỗi nghệ nhân chỉ được phép thực hiện công việc trong khoảng 10 phút để đảm bảo sự tập trung cao độ nhất cho sản phẩm.
Trong quá trình khai quật Hoàng thành Thăng Long, nền điêu khắc của thời nhà Lý lại tỏa sáng qua việc xuất lộ các hiện vật điêu khắc tinh xảo như ngói gắn lá đề trang trí rồng, phượng, các tượng đầu rồng, phượng trang trí trên nóc mái, một lần nữa ta có thể thấy được sự rực rỡ đặc trưng của nền điêu khắc thời Lý với hình tượng lá bồ đề và rồng Việt Nam.